Trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện như sau:
Một hôm có một bác nông dân gánh phân vào thành Tô Châu. Khi xuống cầu bị
sơ ý trượt ngã, cả gánh phân đổ ra tung tóe tại cửa một hiệu quần áo. Chủ hiệu
thấy thế giận lắm, bắt người nông dân phải cởi áo ra lau. Bác nông dân hiền
lành sợ tái mặt, hai chân run bần bật. Bác van xin lão chủ cho phép đi gánh nước
về rửa nhưng không được chấp nhận. Đúng lúc đó quan huyện họ Lưu nổi tiếng
thanh liêm đi qua. Ông nhìn thấy đám đông bèn dừng lại hỏi chuyện. Ông đã có chủ
định bèn lên mặt quan lớn khác hẳn với thái độ hiền từ xưa nay và nói: “Đúng rồi,
ai bảo anh không cẩn thận làm bẩn hè cửa nhà người ta, phải cởi áo ra lau ngay,
nếu dám cả gan chống lại sẽ bị xử nghiêm khắc”. Bác nông dân thấy quan huyện họ
Lưu đến đã tưởng sẽ được bênh vực nhưng nghe thấy vậy thì tiu nghỉu, sự thể đã
thế thì đành phải cởi áo bông rách nát ra lau hè cửa.

Một lúc sau bác nông dân đã lau sạch hè cửa. Ông Lưu mới hỏi lão chủ: “Hè
cửa đã lau sạch chưa?”. Lão chủ vội thưa: “Dạ, sạch rồi, sạch rồi”. “Thế ông đã
vui lòng chưa?”, “Dạ, vui lòng rồi ạ, xin đa tạ quan lớn”. Ông Lưu lúc đó đổi
giọng nói: “Không cần cảm ơn tôi, chỉ có anh này mình trần trụi, dọc đường về
nhà chết cóng chết rét thì về nhà ai chịu trách nhiệm? Mạng người đâu phải chuyện
đùa”. Lão chủ ngây người, không biết trả lời làm sao, chỉ nói: “Xin nghe quan lớn
truyền bảo, chúng con xin theo ạ”.
Quan huyện họ Lưu nói: “Được” rồi mở tủ hàng lấy ra một chiếc áo da vui
vẻ nói với bác nông dân: “Gió tuyết lớn thế này, chiếc áo da này được đấy, mặc
vào đi”.
Lão chủ hiệu mất chiếc áo da cho bác nông dân, đau xót trong lòng. Con người
đáng ghét này đã trúng mưu “muốn lấy phải cho” của quan huyện họ Lưu.