Hứa Vân Mộng nhà Thanh đã từng làm tri huyện tại Hoa Đình. Ông có tài xử
án, rất mưu trí và thường có pha chút hài hước, những vụ án do ông xét xử đã trở
thành những giai thoại của dân chúng địa phương.
Huyện Hoa Đình có một người đỗ tú tài ban võ, phẩm hạnh rất tồi, thường
hay dựa vào danh vị của mình để gây rắc rối, bắt nạt dân lành, thật là một tên
vô lại. Quan lại địa phương đau đầu vì hắn. Khi mới về nhậm chức tri huyện này,
Hứa Vân Mộng đã gặp một chuyện rắc rối như sau:
Một hôm có một bác nông dân vào phố gánh phân, đã sơ ý làm bẩn quần áo của
vị tú tài võ. Thế là chọc vào tổ ong rồi. Tú tài võ có lý đời nào chịu, vừa bắt
bác nông dân xin lỗi trước mặt công chúng, lau sạch chỗ bẫn, vừa thẳng tay đánh
đập. Khách qua đường bất bình, xô tới khuyên ngăn. Tú tài võ thấy đông người lại
càng lên mặt làm phách, lôi bác nông dân lên dinh quan huyện để kiện cáo.
Trên công đường, tú tài võ cố ý làm to chuyện, nói bác nông dân làm bẩn
quần áo của hắn là do cố ý và khinh thường phẩm tước của triều đình. Hắn còn đe
dọa nói nếu quan huyện không xét xử phạt nặng thì rõ là không làm tròn bổn phận,
sĩ tử toàn huyện sẽ không chịu để yên.
Sau khi nghe lời trình của tú tài võ, quan huyện bèn hỏi bác nông dân và
được biết toàn bộ sự việc. Ông suy nghĩ một chút rồi nghĩ ra một mưu kế. Thế là
ông đập bàn quát to khiển trách bác nông dân: “Anh là một kẻ tiểu nhân dân dã
đã làm bẩn quần áo của tú tài võ nghệ, như vậy là hành vi phạm thượng. Đáng lẽ
phải trừng phạt nặng nhưng bản quan thấy đây là lần phạm tội đầu tiên nên có
khoan hồng đôi chút. Nay phạt anh phải rập đầu vái tạ lỗi 100 lần trước tú tài
võ nghệ”.
Bác nông dân run sợ quỳ xuống rập đầu vái tú tài. Khi vái được 70 lần
thì quan huyện bảo dừng lại và hỏi tú tài võ: “Tí nữa quên mất, ông là tú tài
ban văn hay ban võ nhỉ?”. Đối phương trả lời: “Tú tài ban võ ạ”. Quan huyện lúc
đó mới làm ra vẻ tỉnh ngộ nói: “Thật là sơ suất quá. Huyện ta có quy định: người
dân thường vái tạ lỗi các bậc tú tài thì đối với tú tài ban văn sẽ vái 100 lần,
còn đối với tú tài ban võ chỉ vái 50 lần. Nay anh nông dân đã vái quá mức 20 lần
vậy tú tài võ phải vái hoàn lại đủ 20 lần”. Rồi ông ra lệnh cho tú tài võ phải
rập đầu vái tạ bác nông dân.
Tú tài võ hố to, giật run người, mồm loa mép giải, cự tuyệt không chịu
vái lại. Quan huyện nghiêm sắc mặt, thét: “Anh là người có phẩm tước, sao lại
dám chống lại phán quyết của quan lớn thụ mệnh triều đình!”. Nói rồi sai lính
đè đầu tú tài võ bắt vái tạ đủ 20 lần rồi mới thôi. Mọi người có mặt ở công đường
nhìn thấy bộ dạng khốn khổ của tú tài võ đều không nhịn được cười.
![]() |
Ảnh minh họa |
Có người nói quan huyện Hứa Vân Mộng xử vụ án này không theo “chính đạo”
mà là dùng cách “phạt đùa”, nói như vậy quả không sai. Tú tài võ là một tên vô
lại quen dùng thủ đoạn làm bừa làm bãi. Loại người này có thể làm cho cái vô lý
cũng trở thành có lý, không thể nói chuyện lý lẽ với hắn được. Ông Hứa biết rõ
mánh khóe của hắn, nên đã dùng mưu “muốn lấy phải cho”, phạt bác nông dân vái tạ
hắn 100 lần, đợi khi đã vái tạ được 70 lần mới nói tú tài võ chỉ được hưởng 50
cái, khiến cho hắn phải vái tạ hoàn lại 20 lần, như vậy là đã trừng phạt cái
thói vô lại của hắn.
Các bạn nhớ ủng hộ cho blog mình nhé!